Lửa bất diệt

Trần Vân Hạc

Sau một loạt bài về anh hùng nhỏ tuổi Lê Văn Tám trên tuần báo văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, được bạn đọc xa gần hết lòng ủng hộ, nhiều người như được sống lại với những kỷ niệm không phai mờ về tấm gương vì nước quên thân của người anh hùng đã trở thành biểu tượng của tinh thần yêu nước.

Ông Đỗ Văn Xuyền, sinh năm 1937, một nhà nghiên cứu chữ Việt cổ có rất nhiều thành công của nước ta hiện nay kể lại:

– Năm 1945 – 1947, một đoàn bộ đội đến ở nhà tôi tại thôn Duyên Hà, huyện Đông Quan, tỉnh Thái Bình. Năm ấy tôi đã 9 – 10 tuổi rất yêu quí các anh bộ đội và vô cùng ham đọc sách báo. Tôi thường lân la làm quen và mượn sách báo của một anh cán bộ đại đội. Trong số báo mượn được có tờ “Quân Bạch Đằng” – tờ báo của quân khu ba. Tôi còn nhớ tờ báo in trên giấy xấu, mực đen, riêng chữ “Quân Bạch Đằng” in bằng mầu xanh cô ban. Anh cán bộ đại đội chỉ cho tôi một bài thơ in ở trang nhất bảo tôi đọc. Tôi không nhớ tên tác giả, nhưng bài đó tôi còn nhớ như sau:

“Lửa bất diệt:

Buổi trưa ấy Sài Gòn rung ý hận

Nghiến răng nghe rầm rập tiếng chân thù

Anh đứng khoanh tay lòng hồi hộp đợi chờ

Giờ cứu nước, giờ đây giờ cứu nước!

Anh nhìn xuống áo quần xăng đẫm ướt

Mùi xăng dầu ngây ngất chí hiên ngang

Ngoài miệt xa phơi phới ánh sao vàng

Từng nhịp sống từ Cầu Ông vọng lại

Mỗi tiếng súng là mỗi người trẻ tuổi

Cũng như anh ngã xuống cũng như anh

Lòng lâng lâng dâng nước mảnh hồn xanh

Anh rạo rực trong anh sao nóng quá?

Anh châm lửa người anh mang cánh lửa

Anh băng băng xông tới giữa kho dầu

Ánh lửa hồng mỗi lúc một dâng cao

Bay loang loáng khắp kho dầu loang mãi

Lưỡi lê giặc vụt chìa ra cản lại

Anh hiên ngang trong ngọn lửa vinh quang

Lũ giặc hèn lùi lại rợn kinh hoàng

Mắt xanh lét trừng trừng đầu sẽ lắc

Ôi cuồng nộ là mưu đồ xâm lược

Mộng thực dân – sợi khói thoảng bay tan

Vì lửa ai anh dũng đã thiêu tàn

Chúng điên hận nhìn anh run mũi súng

Tiếng súng nổ cây người anh đổ xuống

Lửa người anh đã gặp lửa hồn anh

Phơi phới lên ngọn lửa sáng đô thành

Và sán lạn một trời Nam đỏ rực

Nơi máu lửa đang ghi hồn dân tộc

Tám mươi năm uất hận phút này đây

Lửa người anh bén cháy mọi lòng trai

Lan cháy mãi trong lòng dân đất Việt

Lửa người anh! Lửa người anh bất diệt!

Tôi hỏi:

– Vẫn biết ông là người có trí nhớ tuyệt vời, nhưng sao lúc đó mới 9, 10 tuổi mà ông nhớ bài thơ đến như vậy. Ông Đỗ Văn Xuyền mỉm cười:

– Anh phải biết rằng lúc đó phong trào học tập tấm gương anh hùng Lê Văn Tám rộ lên ở khắp mọi nơi. Tôi còn nhớ lúc đó trong một đêm liên hoan văn nghệ quân dân, có một anh bộ đội quê ở huyện Thụy Anh nói dấu ngã thành dấu hỏi. Khi anh ngâm: “Mắt xanh lét trừng trừng đầu sẻ lắc” làm mọi người cười ầm lên. Ban tổ chức phải lên đính chính lại: “Đầu sẽ lắc, chứ không phải đầu chim sẻ lắc”!

Tôi tò mò:

– Thưa ông, rất mong ông lượng thứ, thời gian quá lâu rồi, bài thơ này ông nhớ có chính xác không?

Ông Đỗ Văn Xuyền độ lượng:

– Thế hệ chúng tôi ngày ấy vô cùng tin tưởng vào sự thành công của cách mạng. Phong trào học tập tấm gương anh hùng Lê Vă Tám nhanh chóng lan rộng khắp nơi. Chúng tôi chuyền tay học thuộc lòng bài thơ đó và mãi sau này vẫn thường ngâm mỗi khi có dịp, vì vậy tuy thời gian đã lâu, có câu, chữ  có thể không đúng với nguyên bản, nhưng bài thơ cơ bản như vậy đấy. Trầm ngâm giây lát, ánh mắt ông Đỗ Văn Xuyền chợt sáng lên:

– Anh biết không, chỉ mấy năm sau, vào năm 1955 trong bài “Cửu Long Giang ta ơi”, nhà văn Nguyên Hồng viết:

“Mười sáu tuổi xanh
Em Ðuốc Sống đốt mình phá tan kho giặc
Võ thị Sáu vùng răng cắn chặt
Giữ trung trinh cho đến phút cuối cùng
Ðạn giặc xuyên lỗ chỗ ngực măng non
Ðỏ thắm nụ cười
Chào Bác Hồ và Việt nam bất diệt.”

Mấy năm gần đây tôi có nghe nhiều ý kiến cho rằng anh hùng Lê Văn Tám không có thật. Nói thật lòng, đó là những ý kiến thiếu trung thực, không có căn cứ. Trong lịch sử nước ta đã từng có Thánh Gióng, vốn là nhân vật lịch sử có thật có công trị thủy, sau này được nhân dân ta tôn vinh trong công cuộc đánh giặc Ân. Nhiều nước cũng có những nhân vật lịch sử nhuốm mầu huyền thoại. Nhưng khi đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân và trở thành biểu tượng của tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc, thì tại sao phải mất nhiều tâm sức và giấy mực tranh luận về nhân vật đó, nhất là anh hùng Lê Văn Tám là nhân vật có thật, sự kiện anh tẩm dầu vào người quyết tử đốt kho xăng của giặc là có thật, bây giờ vẫn có nhiều nhân chứng còn sống và minh mẫn. Xét một góc độ nào đó, những ý kiến phản biện ấy còn là sự thiếu tôn trọng lịch sử, chưa biết trân trọng những hy sinh vô tư, không vụ lợi của những người anh hùng vì nước quên thân.

01.2010

Leave a comment