Posts Tagged ho

Con Hổ trong tâm thức người Việt

Th.S Lê Tài Hòe

Người Việt Nam, phần lớn là cư dân nông nghiệp gắn bó với cỏ cây, sông núi hàng ngàn năm nay. Do phải gắn bó với môi trường tự nhiên, cư dân nông nghiệp lúa nước có cuộc sống mật thiết với “cây”, với “con”, trong đó có… con hổ!

Nhắc đến con hổ, người Việt có đến mấy tên gọi. Tên nào cũng giàu hình ảnh, sắc thái và biểu cảm: Hổ, Hùm, Khái, Cọp, ông Ba Mươi, ông Kễnh… để rồi người ta bảo nhau “sợ hùm, sợ cả cứt hùm”…


Ngũ hổ – Tranh dân gian Hàng Trống.

Chia tay năm con trâu đón chào năm con hổ, chúng tôi chọn hai con vật trâu và hổ cùng với dẫn liệu so sánh để tìm hiểu hình ảnh con vật trong tâm thức người Việt đã nói gì về nó.

Trong bảng thống kê tần suất tên gọi các con vật, hổ đứng vị trí thứ 18 trong thành ngữ, xếp thứ 20 trong tục ngữ và thứ 135 trong kho tàng ca dao. Với tổng tần số xuất hiện của hổ trên ba đơn vị dẫn liệu thành ngữ, tục ngữ, ca dao là 42 lần, thua xa hình ảnh con trâu thuộc lô đầu bảng, với tổng tần suất 148 lần.

Nhắc đến hai “nhân vật” này, chắc ai cũng nhớ đến câu chuyện cổ tích về “Trí khôn” đầy chất thi vị của người Việt. Con người đã thắng con trâu, cuối cùng trâu đã thắng hổ, thắng bằng “trí khôn”…

Người nông dân bé nhỏ cầm cày điều khiển và chỉ huy con trâu – con vật “khoẻ như trâu bị thuần phục, đã làm “chúa sơn lâm” hết đỗi ngạc nhiên. Dẫn đến kết cục chuyện “Trí khôn” là trâu cười hổ, gãy mất cả hàm răng trên, còn da của hổ mãi mãi không xóa được vệt vằn lửa đốt, thật là hóm hỉnh lạc quan.

Con trâu và con hổ đã có quan hệ sâu sắc trong nhận thức và tình cảm của người Việt ở cả trong chuyện kể cũng như trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao.

Vị thứ xếp hạng của hổ không cao như trâu – con vật gần gũi thân thiết với con người, nhưng hổ lại là con vật rất ấn tượng trong đời thường và trong tâm thức người Việt.

Trong các loài vật, hổ được gọi là “Chúa sơn lâm”, trước hết hổ có hình thể oai phong, có sức khoẻ phi thường, dũng mãnh tấn công được bất cứ con thú lớn nào như voi, bò tót, trâu rừng…

Hổ đi vào tâm thức người Việt, chỉ riêng danh xưng cũng có nhiều kiểu khác nhau: “Khái”, “Cọp”, “Kểnh”, “Hùm”, “Hổ” (tục ngữ và thành ngữ). Ngoài ra còn có một vài tên gọi trở thành biểu tượng linh thiêng. Người ta gọi “Hổ” chệch tên, biểu hiện lòng tôn kính, khâm phục đượm chút lo âu, sợ hãi: “ông Ba Mươi”, “ông Kểnh”,… Nhắc đến hổ trong vốn từ vựng tiếng Việt còn có những tổ hợp từ, những từ ghép như “Chúa sơn lâm”, “hùm thiêng”, “mãnh hổ”.

Trong thành ngữ các từ gọi đến Chúa sơn lâm khá phong phú: “Hùm” nhắc đến mười hai lần, “Hổ” có bốn lần, “Cọp” hai lần, “miệng Hùm” ba lần. Còn xướng đến tên chỉ một lần gồm các từ: “Râu Hùm”, “Hang Hùm”, “Oai Hùm”, “Tránh Hùm”, “Thả Hổ”, ” Mắc Hổ”, “Miệng Cọp”, “Hang Cọp”, ” Cọp nó xơi”, “Mọc Cánh”, “Khoẻ”, “Ăn”, “Ac”, “Tinh”, “Đổ đó”.

Ngoài ra, còn có các quan hệ tương đồng, tương phản giữa các cặp: Hùm – Rắn, Hùm – Cáo, Hùm – Sói, Hùm – Sứa, Cọp – Thỏ.

Các từ gọi đến tên Chúa sơn lâm trong tục ngữ, mang trạng thái bản tính phản ánh các hành động: Khái hai lần, Kểnh hai lần, Hùm hai lần, Cọp, Cọp dữ, Hùm giết người, Hùm ngủ, Hùm dậy; tránh Hùm, sợ Hùm, hang Hùm, cứt Hùm; Hổ lang, như Hổ, hang Hổ, mắc Hổ, sợ Khái, cứt Khái.

Các cặp từ ngữ chỉ “các quan hệ” được thiết lập, liên tưởng: Hổ – Lang, Hùm – Người, Hùm – sợ, Hổ – da, Hổ – nam, Hùm – đầu lâu, Khái – sợ.

Bằng khả năng liên tưởng, các từ ngữ chỉ về hổ, nói về hổ chừng ấy cũng đã gọi đủ, hội đủ bấy nhiêu đặc điểm giống loài, tập tính, năng lực, quan hệ của con vật đối với con người và cả của người đối với con vật.

Dù người Việt gọi hổ bằng nhiều tên như vậy, nhưng cái tên, từ đơn “Hổ” vẫn là chung nhất, phổ biến nhất. Chúng ta quen với “Năm con hổ”, “Tuổi hổ”, “Cầm tinh con hổ”, “Cao xương hổ” (hổ cốt), lại còn có “Dầu cao con hổ”, “Đèn pin con hổ”… chứng tỏ hổ cũng là một loài thú có nhiều mối quan hệ với con người. Nó trở thành biểu tượng cho sự khát vọng về sức mạnh và quý hiếm.

Vì vậy, so sánh người với hổ, đặt hổ trong quan hệ với người cũng là chuyện thường. “Nam thực như hổ” (đàn ông ăn khoẻ như hổ), hay dân gian nhắc nhở, điều chỉnh hành vi các bà cô nào đấy “Ăn nói cứ như hổ vồ” (thành ngữ và tục ngữ) không còn chút nữ tính trong ứng xử, giao tiếp.

Hổ còn được đem so sánh đối lập với mèo trong tập tính, hoạt động kiếm ăn. Trong bối cảnh này hổ thường bị con người đồng nhất với rắn, cáo, sói,…

Trước một hiện tượng xã hội, hành vi chụp dật, cướp đoạt trắng trợn của kẻ có thế lực, ca dao đã đem đối lập mèo với kểnh để phê phán, trào lộng người đời bất lực :

– Mèo tha miếng thịt xôn xao,
Kểnh tha con lợn thì nào thấy chi.

– Mèo tha miếng thịt thì đòi,
Kểnh tha con lợn
mắt coi trừng trừng.

Trong dân gian người ta gọi hổ là “Kễnh” hoặc “ông Kễnh” bằng vẻ khúm núm, sợ sệt. Song thực ra, khi dùng từ “Kễnh” thì đã hàm ý không mấy tôn trọng, không chút cảm tình:

Dạy con con chẳng nghe lời,
Con theo ông Kễnh
đi đời nhà con.

Cũng thật thú vị, con người gọi hổ là “ông kễnh”, “ông ba mươi” có khi để hù doạ trẻ con với cảm giác khôi hài. Thế nhưng khi vào giữa “chốn rừng thiêng” thì từ “ông Kễnh”, lại là một cách lựa chọn thích hợp nhất khi con người cần giao tiếp trao đổi với nhau có nhắc đến”chúa sơn lâm”.

Khi gọi hổ là “Cọp”, con người lại “hạ bệ”, không còn gợi nên chút nào vẻ oai phong và uy vũ của hổ. Thành ngữ, tục ngữ dùng từ “Cọp” theo lối ví von so sánh, ẩn dụ hoán dụ, nghĩa bóng, nghĩa biểu trưng nhằm khích lệ những hành động dũng cảm, mạo hiểm của con người có thể “vào hang bắt cọp”, có thể “cưỡi trên lưng cọp”, dù biết “cưỡi cọp khó xuống”…

Ở chốn núi rừng, cọp vào bản bắt bò, vác lợn của dân là chuyện thường gặp. Cảnh “cọp tha” oái oăm đó lại được dân gian khôi hài, so sánh với cảm hứng đầy hài hước:

Gái tơ lấy phải ông già
Cũng bằng con lợn
cọp tha vào rừng.

Phải nói rằng, cái tên gọi duy nhất dùng để ca ngợi hổ chỉ có thể là “Hùm”. Chẳng cần đến sự phối hợp của từ tố “Ông”, độc một tiếng “Hùm” thôi cũng đủ nói lên được cả tướng mạo dữ dội, uy linh về “chân dung”, “khí phách” ngang tàng, lẫm liệt của hổ.

Hệ thống các thành ngữ: “Chớ vuốt râu hùm”, “Đừng mượn oai hùm”, “Dữ như hùm”, “Miệng hùm nọc rắn”, “Miệng hùm gan sứa” và đặc biệt là các thành ngữ “Sợ hùm sợ cả cứt hùm”, “Sợ khái sợ cả cứt khái” đủ cho ta thấy sự nể phục đối với hổ trong tâm thức người Việt.

Con hổ trong tâm thức người Việt cùng một số con vật Long, Ly, Quy, Phượng, đã trở thành biểu tượng sức mạnh, linh thiêng, biểu tượng văn hoá của dân tộc. Đồng thời, mối quan hệ này cũng nói lên tình cảm, lòng yêu mến đối với các con vật – một nhãn quan văn hoá về cách nhìn, cách nghĩ, cách cảm của người Việt nói riêng của người Việt Nam nói chung về giống vật, loài vật.

Nguồn: Báo Nghệ An

_________

Sách tham khảo:
● Thành ngữ tiếng Việt, của Nguyễn Lực, Lương Văn Đang (1978)
● Tục ngữ Việt Nam, của Chu Xuân Diên, Lương Văn Đang và Phương Tri (1975)
● Kho tàng Ca dao Việt Nam, của Nguyễn Xuân Kính (1995)

Leave a Comment

Ca dao, tục ngữ, thành ngữ về Hổ

Ca dao, tục ngữ, thành ngữ về Hổ

(24h) – Hổ là loài thú dữ ở núi rừng, có nhiều tên gọi khác nhau như Chúa sơn lâm, ông Kễnh, ông Ba mươi, con cọp, con khái, con hùm…

Read the rest of this entry »

Leave a Comment