Lan rừng Yên Bái

Trần Vân Hạc

Yên Bái là một tỉnh vùng núi, với tiểu vùng khí hậu tương đối ôn hòa: nóng ẩm mưa nhiều, rất thích hợp cho việc phát triển thảm thực vật nói chung và phong lan nói riêng.

Lan rừng Yên Bái khá phong phú và đa dạng về chủng loại, dáng cây, sắc hoa… đem lại một vẻ đẹp tự nhiên, độc đáo cho núi rừng và các bộ sưu tập của những người yêu thú chơi vương giả này.

Trên khắp các cánh rừng của Yên Bái, có rất nhiều loại lan quý như: Hoàng thảo, thanh đạm, hạc đính, giáng hương, ngọc điểm, phượng vĩ, cẩm báo, vân đa, hài, gấm, thạch hộc…

Chi lan hoàng thảo là chi lan phong phú nhất về số lượng và sắc hoa như: Hoàng thảo bạch nhạn, hoàng thảo long nhãn, hoàng thảo tím huế, hoàng thảo tím hồng, hoàng thảo vẩy rồng, hoàng thảo mắt trúc… Chi lan này có mặt hầu hết các nơi trong tỉnh, nhưng tập trung nhiều ở Trạm Tấu, Văn Chấn, Lục Yên, Yên Bình…

Điểm nổi bật của chi lan này là sức sống cao, mùa hoa dài hầu như quanh năm. Nếu hoàng thảo bạch nhạn mảnh mai, buông dài tha thướt với những hoa vừa phải, hương thơm thanh cao điểm thêm nét duyên cho mùa xuân, thì hoàng thảo long nhãn, hoàng thảo vẩy rồng, hoàng thảo mắt trúc lại vàng thêm nắng hè, thu. Riêng hoàng thảo long nhãn có khi dài tới gần 2 mét.

Chi lan thanh đạm có hàng chục loài: Thanh đạm ba gân, tam bảo, thanh đạm vàng… phổ biến ở Văn Chấn, Trạm Tấu, Yên Bình… Chi lan này đẹp từ thân, rễ, lá tới hoa. Chùm hoa dài nhất tới gần 20cm, hương thơm phảng phất. Đặc biệt, lan thanh đạm tam bảo sắc rất được ưa chuộng bởi sự hài hòa, sang trọng của sắc hoa: Tím, hồng, vàng vô cùng bắt mắt.

Chi lan thạch hộc, còn gọi là lan cẳng gà hoặc kim thoa thạch hộc vừa cho hoa đẹp với màu hồng, tím, trắng hài hòa trên một bông hoa, nở vào tiết xuân, vừa là vị thuốc quý phòng và chữa bệnh “ngã nước” theo kinh nghiệm dân gian. Đây là loài lan rất khó trồng khi tách khỏi cây xanh.

Chi lan giáng hương có nhiều ở Mù Cang Chải với những loài chính như: Giáng hương quế, giáng hương hồng nhạn và giáng hương nhiều hoa. Đây là niềm tự hào của lan rừng Việt Nam nói chung và Yên Bái nói riêng, được giới chơi lan đặc biệt ưa chuộng bởi vẻ đẹp toàn bích từ thân, rễ, tới lá và hoa. Đặc biệt, chùm hoa sang trọng với hương thơm dịu dàng. Giáng hương quế nở vào mùa thu, hoa trắng ngần. Giáng hương hồng nhạn và giáng hương nhiều hoa lại nở vào đầu hè. Riêng giáng hương hồng nhạn, hoa tươi sáng, rất đẹp, nhưng rất hiếm.

Chi lan ngọc điểm phổ biến ở Mù Cang Chải, với ba loài chính: Ngọc điểm đuôi cáo, ngọc điểm hải âu và ngọc điểm đai châu, nhiều nhất là ngọc điểm đuôi cáo. Chi lan này đều cho hoa đẹp, lâu tàn và có hương thơm tiên cách, nở rải rác từ xuân đến hè. Ngọc điểm đai châu nở vào dịp tết nên rất được giới sành lan ưa chuộng và còn gọi tên là nghinh xuân, tức là đón xuân. Chùm hoa lung linh như chuỗi ngọc, bởi vậy nên mới có tên là đai châu (nhiều người vẫn gọi nhầm là tai trâu).

Chi lan vân đa nổi bật nhất vân đa bắc và vân đa dạ hương có nhiều nhất ở Trạm Tấu, Văn Chấn. Nếu vân đa bắc hoa có màu với các vạch tím ở gốc, nhuỵ vàng, hương thơm nhẹ thì vân đa dạ hương lại cho màu xanh vàng về đêm càng tỏa hương thơm ngát. Người sành chơi thưởng hoa trong đêm tĩnh lặng để cảm nhận sự huyền bí của trời đêm của cuộc sống bao la muôn màu.

Chi lan phượng vĩ còn gọi là huyết nhung, với loài phượng vĩ bắc, có nhiều ở Lục Yên. Điểm nổi bật của loài hoa lan này là sức sống mãnh liệt của hoa và rất lâu tàn, kéo dài có thể tới 4 tháng. Hoa bền nhất trong các loài hoa nói chung và phong lan nói riêng.

Chi lan hạc đĩnh có nhiều nhất ở Trấn Yên, Văn Chấn, với 2 loài phổ biến: đĩnh nâu và hạc đĩnh vàng. Loại lan đất này dễ trồng, hoa có hình dáng đẹp và lâu tàn nên được gây trồng nhiều.

Chi lan hài phổ biến là hài nâu có nhiều ở Trạm Tấu. Đây là loài lan rất được ưa chuộng bởi dáng hoa kiêu kỳ như gót giầy của Nữ thần Tình yêu và Sắc đẹp.

Chỉ điểm qua một số chi họ, ta đã thấy sự phong phú của lan rừng Yên Bái. Chính vẻ đẹp tuyệt luân và hương hoa tiên cánh góp phần làm phong phú thêm cho tâm hồn con người, thêm một nét đẹp đáng quý cho cuộc sống.

1 Comment »

  1. […] : Vân Hạc.Org No Comments    Read […]

RSS feed for comments on this post · TrackBack URI

Leave a comment